Ngày đầu tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn: Những hồi ức xúc động

Trong chiến thắng lịch sử năm 1975, ngoài vai trò của quân và dân ta thì Đài Phát thanh Giải phóng cũng đóng góp tích cực vào chiến thắng chung của toàn dân tộc.

Việc nhanh chóng tiếp quản hệ thống phát thanh của chính quyền Sài Gòn là để chuẩn bị cho chương trình phát thanh đầu tiên. Giọng đọc của các phát thanh viên thật hùng hồn, truyền cảm đã kịp thời thông báo cho cho cả thế giới và toàn quốc biết được kết cục thắng lợi của cuộc kháng chiến kéo dài hơn 30 năm.

Sài Gòn thật sự được giải phóng.

Ngay trong ngày đầu tiếp quản, các phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên và kỹ thuật viên Đài Phát thanh Giải phóng đã khẩn trương chuẩn bị nội dung cho chương trình thời sự đầu tiên. Những ai đã từng trải qua những ngày đầu gian khó ấy càng thấu hiểu niềm hạnh phúc khi nghe tiếng loa phóng thanh phát đi mỗi ngày. Đó là cánh sóng – là tiếng nói của người dân Thành phố, là niềm tự hào về đội ngũ binh chủng thông tin mới trên mảnh đất Sài Gòn – Gia Định.

Nhớ lại những ngày đầu tiên đầy khó khăn đó, ông Cao Xuân Phách – nguyên Phó Giám đốc của Đài chia sẻ, khi đó ông là phóng viên Đài phát thanh Giải phóng về Thành phố tiếp quản Đài sớm nhất. Công việc lúc bấy giờ là chuẩn bị cho một bản tin thời sự: “Thông tin các nơi bắt đầu thành lập chính quyền cách mạng ra làm sao, thông tin bà con ta về Thành phố, người bị thương được chăm sóc như thế nào ở các bệnh viện. Tình hình trật tự trị an ra sao? Khi đó nhà nào cũng treo cờ của mặt trận giải phóng: màu đỏ, màu xanh. Đi tới đâu cũng có người hỏi thăm, suốt những ngày đầu giải phóng”.

Ông Nguyễn Hữu Phước, lúc đó vừa là phóng viên vừa là phát thanh viên nhớ lại, trong lúc chiến trường bề bộn như vậy, để phát thanh được phải có những bộ máy liên lạc đặc biệt như: báo vụ, văn thư…. mọi người phải nhanh chóng chuẩn bị làm sao phát sớm nhất bản tin chính thức, để người dân nghe cảm thấy yên tâm.

Những ngày đầu tiên ấy luôn làm cho ông xúc động: “Điều đầu tiên quan trọng nhất là làm sao lấy được những thông tin báo hiệu chúng ta đã giải phóng Sài Gòn và làm sao để báo là tình hình chiến đấu đã ổn định.

Làm sao để nhân dân yên tâm không có vấn đề lộn xộn và việc của chúng tôi là làm sao để ổn định Đài phát thanh, có tiếng nói càng sớm càng tốt. Làm sao để binh sĩ của đối phương yên tâm là nếu thuận lợi, biết đầu hàng là không có vấn đề gì xảy ra và nhân dân cũng không phải lo lắng cuộc sống sẽ ra sao”.

Cũng là một trong những kỹ thuật viên đầu tiên, suốt mấy chục năm gắn bó với Đài, ông Võ Văn Khuề chia sẻ về những khó khăn và hạ tầng phát sóng khi đó. Lúc giải phóng, ông đi về số 37 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cùng các bộ phận khác tiếp tục làm việc, biên tập.

Về được trung tâm Thành phố khi đó có hai Đài phát sóng. Đài Phát sóng Quán Tre là Trung tâm phát sóng lớn nhất của Đài phát thanh Sài Gòn. Đài thứ 2 là Đài phát sóng Phú Thọ.

Nhiệm vụ của khối kỹ thuật là thâm nhập vào từng cơ sở và nhờ đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũ chỉ dẫn cách tiếp quản hệ thống kỹ thuật mới.

Với ông khi tiếp nhận hệ thống trang thiết bị mới dù khó khăn đến mấy nhưng những người làm kỹ thuật luôn tự nhắc nhở mình, bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào vẫn đảm bảo không mất sóng: “Nhiệm vụ của khối kỹ thuật lúc đó phải thâm nhập và tiếp quản hệ thống phát thanh của địch để lại – Đài phát thanh Quán Tre. Lên đó làm việc thì những người kỹ thuật cũ của Đài Sài Gòn rất chấp hành lệnh của Ban quân quản.

Nhiệm vụ của chúng tôi là đưa cán bộ kỹ thuật của Đài phát Thanh Giải Phóng thâm nhập vào cơ sở để từng bước nắm kỹ thuật đó để vận hành cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật cũ. Về kỹ thuật, máy của mình trong rừng chỉ có 1KW thôi, ra đây mình tiếp quản máy 100KW”.

Cùng làm việc trong khối kỹ thuật, bà Đoàn Thị Thanh Thủy, kỹ thuật viên của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố, gắn bó với Đài trong mấy chục năm, hồi tưởng, từ Quán Tre (lúc đó là Hóc Môn) vào đến số 3 Nguyễn Đình Chiểu cũng còn đi lạc. Ngày 30/4/1975 tiếp quản, 1/5/1975 thì phát băng tin đầu tiên và phát nhạc hiệu đầu tiên; nhạc hiệu tiến về Sài Gòn với câu xướng: “Đây là Đài phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định, phát thanh từ Sài Gòn” để khẳng định tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định. Khi đó máy móc phục vụ cho bộ phận kỹ thuật còn thực hiện chủ yếu là thủ công (cắt, dán) băng:

“Buổi chiều 30/4 bắt đầu thu những bản tin như:10 điều kỷ luật cùa vùng Giải phóng và 10 chính sách của vùng giải phóng. Tức là ngay buổi chiều sau khi tiếp quản thì phát xen kẽ, tiếp sóng của Đài Giải phóng xen kẽ ca nhạc và chuẩn bị để sáng hôm sau lên sóng chương trình đầu tiên hoàn chỉnh.

Lúc vào đây tiếp quản thì thực tế Đài Sài Gòn cũ không có kho băng mà gán ghép tạm bợ. Hệ thống máy móc của Đài Sài Gòn cũng không phải hiện đại và tốt. Lúc đó xài toàn băng ma-nhê còn thời sự thì đọc thẳng, vì có những bản tin không thu kịp”.

Nói về những áp lực đối toàn bộ đội ngũ thực hiện công tác nội dung vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa góp phần ổn định tình hình trật tự Sài Gòn lúc bấy giờ, nhà báo Nguyễn Hồng Thắng – nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại, suốt 10 năm làm phóng viên ở trong rừng, khi đi viết bài luôn đem theo bên mình cây súng ngắn, nếu có đụng độ thì chiến đấu luôn.

Sau ngày 30/4/1975, ông được phân công là người thực hiện biên tập chương trình phát thanh đầu tiên của bản tin phát vào sáng sớm ngày 1/5/1975 khi Sài Gòn vừa giải phóng một ngày. Ông xúc động: “Những kỷ niệm đó, hình ảnh đó mãi không phai mờ qua năm tháng trong cuộc đời làm báo”.

Đối với ông, đó là những ngày gian khổ nhưng tất cả cán bộ nhân viên của Đài vượt mọi khó khăn làm việc với tinh thần lạc quan, tất cả vì làn sóng, vì truyền thống mà các thế hệ làm báo phát thanh đã tiếp nối: “Cái buổi gọi là đầu tiên do đội xung kích chúng tôi làm, phát chính thức vào ngày 1/5. Tất cả mọi người đều mừng vì đã ngưng tiếng súng. Khí thế lúc đó sôi động lắm, cuộc đời mình chưa bao giờ từng có một ngày như thế. Dù gian nan cực khổ và thiếu thốn, anh em ở Đài tiếp quản có vài ba chục người nhưng vẫn làm việc hăng say, phát thanh liên tục”.

Với tinh thần chủ động, thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, đoàn cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Đài được sự giúp sức của anh chị em công nhân kỹ thuật của Đài cũ, đã làm việc suốt đêm 30/4, để đúng 6 giờ sáng hôm sau, ngày 1/5/1975, chương trình phát thanh đầu tiên của thành phố Sài Gòn giải phóng đã vang lên dõng dạc, gây phấn chấn cho hàng triệu người dân.

Buổi phát sóng đầu tiên của Đài đã được đồng bào, chiến sỹ miền Nam đón nhận với niềm xúc động sâu sắc và với niềm tin chiến thắng đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc.

45 mùa xuân đi qua, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) không ngừng đổi mới và phát triển về mọi mặt, trở thành đơn vị có uy tín trong báo giới cả nước và đã thật sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân thành phố, cũng như thính giả cả Nam Bộ với sự tin tưởng và yêu mến.

Theo VOH

Liên hệ RAVIMEDIA