Dù không biết mặt, nhưng giọng đọc trên sóng radio của chị đã trở nên thân thuộc với hàng triệu người, làm lay động hàng triệu trái tim thính giả, đặc biệt những người cầm lái. Ở nhiều cung đường, nhiều hoàn cảnh khác nhau nhưng khi nghe chương trình chị dẫn tất cả đều như gắn kết thành một.
Mỗi công việc đều có những khó khăn thử thách riêng, nhưng với những nữ nhà báo, biên tập viên, dẫn chương trình thì khó khăn gấp nhiều lần. Bởi nếu không có lòng yêu nghề, sự tỷ mỉ, nhanh nhạy, chính xác trong công việc khó có thể bám trụ được với nghề.
Sau nhiều lần “hò hẹn” nhà báo Trần Thị Phi Yến công tác tại Kênh FM99.9 – Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (VOH) mới sắp xếp được thời gian trao đổi, tâm sự với chúng tôi về công việc thầm lặng của mình.
Người kết nối triệu con tim trên làn sóng phát thanh
Hơn 10 năm gắn bó với “Bạn hữu đường xa” chị đã bắt đầu như thế nào, những ngày đầu tiên đó có những khó khăn, những kỷ niệm gì không, thưa chị?
Tôi tiếp nhận làm người dẫn chương trình (MC) của chương trình Bạn Hữu Đường Xa năm 2010. Đây là lần đầu tiên tôi đảm nhận một chương trình phát thanh trực tiếp được cho là “nặng kí” bởi vì đối tượng giao lưu là bác tài xe tải. Một lực lượng hùng hậu trong xã hội nhưng sân chơi tinh thần dành cho họ hoàn toàn không. Thế nên, đây cũng là chương trình radio tương tác trực tiếp đầu tiên với giới lái xe tại Việt Nam do Đài VOH thực hiện.
Nhà báo Trần Thị Phi Yến hơn 10 năm gắn bó với “Bạn hữu đường xa”. Ảnh: NVCC
Cha đẻ của “Bạn hữu đường xa” là nhà báo Công Vinh cùng đơn vị đồng hành suốt 12 năm qua là Công ty truyền thông Mega Media. Tôi nhớ mãi năm đầu tiên thực hiện dẫn dắt cùng nhà báo Công Vinh đó là khoảng thời gian tôi cảm thấy áp lực do chuyên môn lúc đó của tôi là phóng viên, trong khi để làm MC đòi hỏi phải có kỹ năng dẫn dắt chương trình, kỹ năng giao tiếp trên sóng, kỹ năng nắm bắt tâm lý, cảm xúc của thính giả.
Đặc biệt là kỹ năng xử lý những tình huống bất ngờ, sự cố liên quan đến an toàn làn sóng nếu có xảy ra…. Tất cả điều đó tôi đã phải học trực tiếp thông qua những tháng đầu dẫn dắt chương trình trực tiếp với nhà báo Công Vinh. Anh như một người thầy, người anh đã truyền cảm hứng cho tôi trong phát thanh.
Được biết chị đã giữ vai trò là BTV của các chương trình tin tức trực tiếp như: Sài Gòn buổi sáng, Sài Gòn trưa, SG Buổi Chiều; hay làm MC chính của Vững tay lái, Cảm xúc online, Làn Sóng Xanh…vậy làm sao để mỗi chương trình lại mang một sức hấp dẫn riêng cho khán thính giả?
Thực ra không có mẫu số chung cho bất cứ chương trình nào cả. Mỗi chương trình đều có sự hấp dẫn riêng trong đó, cá nhân tôi nghĩ ngoài nội dung thì cách dẫn dắt của MC chiếm khoảng 50% cho sự thành công của chương trình.
Với những chương trình có sự giao lưu trực tiếp của thính giả như chương trình Bạn Hữu Đường Xa thì chất lượng thính giả là chất liệu chính tạo nên độ hấp dẫn của chương trình. Bởi nếu không có thính giả, chương trình đó không thể “sống” và lan toả những thông điệp chính yếu đến cộng đồng lái xe như khẩu hiệu “Nhường tuyệt đối” mà hầu hết bác tài chân chính đều cần hiểu rõ.
Cảm xúc từ nghề đặc biệt lòng nhiệt huyết với nghề thì bắt buộc phải có
Có giọng nói trong trẻo thu hút người nghe, để có chất giọng đầy cảm xúc như vậy chị đã phải rèn luyện ra sao? Ngoài giọng điệu, việc tiếp thu các kiến thức, thông tin kinh tế xã hội như thế nào, thưa nhà báo?
Tôi không có bí quyết nào to lớn, chỉ là mỗi sáng thức giấc, tôi đều uống một ly nước ấm và dùng nước muối để súc miệng. Việc tiếp thu kiến thức, thông tin kinh tế xã hội là điều mà tất nhiên nhà báo nào cũng phải trang bị như: thông qua việc đọc sách báo hàng ngày, giao tiếp hàng ngày. Một kênh không thể thiếu hiện nay là mạng xã hội, điển hình như group “Bạn Hữu Đường Xa” trên facebook hiện nay có gần 155.000 thành viên tham gia, mỗi ngày lượng thông tin đăng tải rất nhiều và chúng ta có thể bắt gặp ở đó nhiều thông tin nhanh được người dân cung cấp về.
Theo nhà báo Phi Yến “Khi họ ôm vô lăng, trong tay họ là sinh mạng của nhiều người. Chính họ mới là người đưa chúng ta đi, về an toàn trên mọi nẻo đường, nên tôi xưng “bác tài” thân thiện hơn là gọi “tài xế”. Ảnh: NVCC
Để tập trung cho công việc, tôi luôn biết ơn vì có sự đồng hành, thấu hiểu của gia đình nên tôi luôn trong trạng thái sẵn sàng với mọi tình huống thực hiện chuyên môn và ngược lại khi gia đình cần đến mình thì chưa bao giờ tôi nói không với họ.
Còn sức khoẻ vẫn là vấn đề lớn nhất đối với tôi khi thức khuya dậy sớm, ăn uống thất thường là việc điển hình của nghề báo. Tuy nhiên, tôi vẫn tâm niệm nghề báo là duyên trời định nên khó bỏ…
Nhiều thính giả là những bác tài trong “Bạn hữu đường xa”, chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm mà chị nhớ nhất về những bác tài chị đã từng “gặp” qua làn sóng phát thanh?
Tôi cho rằng đây là một câu hỏi khó, vì ngần ấy năm là ngần ấy kỷ niệm vui buồn với nghề, với bác tài không thể nhớ hết nhưng “bác tài” họ rất tài. Bác tài không chỉ biết lái xe mà họ rất đa năng. Họ biết làm cho cuộc sống phong phú ý nghĩa, gửi gắm tâm tư qua sáng tác thơ nhạc.
Bằng chứng là Câu Lạc Bộ thơ Bạn Hữu Đường nhiều năm liền đạt giải nhất trong lễ hội Nguyên tiêu và Ngày thơ Việt Nam. Và đặc biệt, có nhiều điều khiến tôi thật hãnh diện về bác tài Bạn Hữu Đường Xa đó là họ trượng nghĩa, giàu lòng tốt và dũng cảm.
Nhà báo Trần Thị Phi Yến luôn giữ được chất giọng Nam bộ trầm ấm, truyền cảm hứng. Ảnh: NVCC
Như khi đại dịch Covid 19 vừa diễn ra, một số bác tài tình nguyện dấn thân vào vùng tâm dịch ở bệnh viện Quảng Ngãi để hỗ trợ đội ngũ tuyến đầu chống dịch. Nhiều bác tài đã phối hợp với nhau tự nguyện thực hiện chuyến xe chở nước miễn phí đến vùng hạn mặn cho người dân ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hay như những chuyến xe 0 đồng giúp người có hoàn cảnh khó khăn về quê đón tết. Gần nhất là nghĩa cử dũng cảm của bác tài Nguyễn Ngọc Mạnh (Đông Anh – Hà Nội) khi cứu giúp hỗ trợ em bé rơi từ tầng 12 xuống khiến cộng đồng trong nước và quốc tế khâm phục.
Ngoài ra, hằng ngày về đêm có biết bao đội nhóm bác tài SOS Bạn Hữu Đường Xa hoạt động cứu giúp người gặp nạn trên đường… Tất cả điều đó chứng minh hình ảnh bác tài thời đại mới thật nghĩa tình, đoàn kết, văn minh.
Còn rất nhiều MC, BTV trẻ mới ra trường đang mong muốn được đóng góp cho các chương trình phát thanh, truyền hình, chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của mình?
Theo mình nghĩ kinh nghiệm lớn nhất vẫn là thời gian, là sự trải nghiệm, phải cọ xát thực tế sẽ có được. Nhưng cảm xúc từ nghề đặc biệt lòng nhiệt huyết với nghề thì bắt buộc phải có. Nếu không đó sẽ là rào cản lớn nhất trên con đường bạn đang đi. Mình vẫn hay nói với chính mình rằng “Tâm sáng, lòng sẽ trong”, có nhiệt huyết, đam mê chân chính thì không bao giờ tắt lửa nghề.
Vâng, trân trọng cảm ơn chị!
Nguồn: Lê Tâm – Báo Công Luận