Cách đây hơn 10 năm, nhạc hiệu “Giờ cao điểm” quen thuộc đã lần đầu tiên vang lên từ tần số FM 91Mhz…
Năm 2009, trong bối cảnh phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng, hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự phát triển, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực và suy giảm sự phát triển. Chính vì nguyên nhân đó, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà báo Vũ Minh Tuấn, Nguyên Giám đốc kênh VOV Giao thông đã hiện thực hóa ý tưởng thành lập một kênh phát thanh chuyên biệt về giao thông mà trong đó chương trình Giờ cao điểm được coi là xương sống quan trọng nhất trong hệ thống chương trình phát thanh của kênh.
Những chương trình “Giờ cao điểm” đầu tiên được tổ chức công phu bởi thông tin của hàng chục phóng viên, cộng tác viên tác nghiệp khắp các cung đường Thủ đô cùng hình ảnh cập nhật liên tục từ gần 200 camera lắp đặt trên các cung đường tuyến phố đã mang đến cho thính giả những thông tin hữu ích, lộ trình giao thông an toàn. Nhớ lại những ngày đầu mới phát sóng, các phóng viên, kỹ thuật viên của Kênh VOV Giao thông chia sẻ:
PV Lưu động (Chấn Hải): Với phóng viên lưu động, lúc mưa bão bùng, nắng nóng, hay ngày nghỉ lễ tết thì chúng tôi ra đường để đưa thông tin giao thông nhanh nhất, chính xác nhất.
Kỹ thuật (Mạnh Trường): Giờ cao điểm những ngày đầu tiên là chương trình chúng tôi không thể nào quên được, anh em kỹ thuật đi trước về sau, ăn ngủ tại cơ quan để đưa tín hiệu tốt nhất cho phát thanh trực tiếp.
Chỉ chừng ấy thôi, có lẽ chưa “đau đầu” bằng việc hàng ngày trong 3 khung Giờ cao điểm, các biên tập phải lên kế hoạch, chuẩn bị kịch bản “Nói gì để hấp dẫn người nghe? Làm gì để các dữ liệu giao thông đầy đủ, chính xác nhất, kịp thời được chuyển tải tới các thính giả”.
Những tin tức hữu ích, những bình luận sắc xảo qua sự dẫn dắt khéo léo, tài tình của các cặp MC Công Tiến – Ngọc Anh, Bảo Ngọc – Trung Tuyến, Anh Tuấn – Kiều Tuyết, Tú Nhân – Như Ngọc… đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thính giả. Nhà báo Dương Bảo Ngọc, một trong những MC đầu tiên của Giờ cao điểm còn nhớ như in những lần thử nghiệm, những thách thức đặt ra với người dẫn chương trình khi đó:
MC (Bảo Ngọc): “Đường cày không bao giờ thẳng ngay”, không như phát thanh viên truyền thống đọc từng con chữ được viết ra, ở đây MC VOVGT xử lý tình huống và đưa thông tin đến người nghe bằng cách xử lý cụ thể trực tiếp của bản thân. Vì thế khó khăn nhất là kiến thức giao thông.
Hơn 10 năm trước, mọi công đoạn của “Giờ cao điểm” đều được thực hiện thủ công, không có phần mềm hỗ trợ như bây giờ. Khó khăn nhất, bất ngờ nhất và có lẽ là vui nhất đó chính là e-kip thực hiện chương trình nhận được tín hiệu tốt từ thính giả bằng hàng trăm đến 1 nghìn cuộc gọi, mỗi “Giờ cao điểm”. Các tổng đài viên và Thư ký chương trình bồi hồi nhớ lại những giây phút ấy.
Thư ký (Huyền Trâm): Những ngày đầu chưa có hệ thống Achat để đưa tin cho MC, chúng tôi đã phải chuyển những mẩu giấy ghi thông tin đã biên tập cầm vào phòng thu để MC kịp đọc.
Tổng đài viên (Lan Chính): Mỗi Giờ cao điểm chúng tôi tiếp nhận từ 700 – 800 đến hàng nghìn cuộc gọi của thính giả.
Trải qua 10 năm phát sóng, chương trình “Giờ cao điểm” đã tạo được nhiều dấu ấn, chiếm được cảm tình của thính giả, trở thành khung giờ chỉ dẫn và cảnh báo giao thông tốt nhất; truyền tải nhiều tin tức dân sinh, đô thị nhạy bén nhất. Đặc biệt, “Giờ cao điểm” không chỉ là thời điểm quảng bá hữu hiệu nhất mà còn là người bạn đồng hành thú vị trên mọi nẻo đường của nhiều thính giả.
“Thật thú vị khi thông tin mà mình cung cấp chỉ cách đó 1 phút thôi đã được đưa lên sóng và đóng góp của mình là có giá trị, là hữu ích với cộng đồng người tham gia giao thông khác”.
“Trước đó, chưa hề có những thông tin thiết thực và gần gũi đến thế với những người lái xe chúng tôi, là những người rất cần những chỉ dẫn, dự báo về các tình huống giao thông có thể gặp phía trước”.
“Giờ cao điểm đã thay đổi dần theo nhu cầu thông tin của thính giả, của người sử dụng ô tô và do vậy chúng tôi vẫn cần bám sát nguồn tin đó một khi đã lên xe”.
Tin tức nhanh nhạy, chuẩn xác vẫn chưa đủ, trong thời đại 4.0, Lãnh đạo Kênh VOV Giao thông luôn trăn trở phải đổi mới, phải ứng dụng công nghệ hiện đại để đa dạng hóa nguồn tin của “Giờ cao điểm” bằng phương thức đầu tư phần mềm, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng quy trình tiếp nhận hình ảnh, clip từ phóng viên, từ cơ quan chức năng gửi về phòng thu, biến không gian hữu hạn trở thành vô hạn.
Với góc nhìn của người làm phát thanh hiện đại, Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông coi sự xuất hiện của Giờ cao điểm với phương thức tương tác trực tiếp cùng thính giả như một sự định nghĩa lại về phát thanh trước đó:
“Trước đây, Radio là 1 người nói triệu người nghe. Với Giờ cao điểm và nay là rất nhiều chương trình khác của VOVGT, làn sóng phát thanh đã trở thành nền tảng mạng xã hội. Đó là nơi mà thính giả chính là những người tạo lập nội dung, tương tác cùng nhau trên nền tảng đó”.
Cũng chính vì khả năng tương tác mạnh mẽ đó mà Giờ cao điểm đã góp một tiếng nói có trọng lượng trong các quyết sách của cơ quan chức năng, như đánh giá của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
“VOVGT kịp thời cung cấp cho Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng như các cơ quan thành viên những phản ảnh từ phía người dân, là một phần không thể thiếu trong đời sống giao thông của đất nước”.
Hình thức hiện đại, bám sát nhịp sống đô thị, “Giờ cao điểm” của VOVGT là chương trình tiên phong và trở thành hình mẫu phát thanh tương tác để nhiều cơ quan truyền thông trong nước nghiên cứu, áp dụng tại địa phương. Bà Nguyễn Thị Tuyết Chinh, Phó trưởng ban Thư ký biên tập, Đài phát thanh – Truyền hình Hải Phòng chia sẻ:
“Chúng tôi học hỏi các mô hình trên thế giới, nhưng thiết thực nhất phải là những đồng nghiệp đi trước ở Việt Nam, đó là VOV Giao thông. Hiệu quả nhất và có lẽ cũng là cách thức mà chúng tôi sẽ triển khai trên các hệ phát thanh của Đài Hải Phòng đó là đưa công chúng vào chương trình của mình”.
Đến nay, “Giờ cao điểm” của kênh VOV Giao thông đã khẳng định được giá trị và định vị được thương hiệu nhưng với sự thay đổi mạnh mẽ của các phương thức truyền thông cùng sự xuất hiện ngày một nhiều kênh phát thanh hiện đại đang đặt ra thách thức lớn, yêu cầu mới với “Giờ cao điểm”
Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông tin tưởng, khi nhu cầu tiếp cận thông tin rảnh tay vẫn là ưu thế, khi mỗi người làm phát thanh định vị được mình đang ở đâu trên bản đồ truyền thông hiện đại và trong lòng công chúng thì sẽ biết mình phải làm gì để không bị chìm đắm trong thành công của quá khứ:
“Mười năm trước. VOV Giao thông được xem như sự trở lại ngoạn mục của Radio, nhưng thời điểm hiện tại, người VOV Giao thông đã đến lúc phải khép lại thành công trong quá khứ, đặt nó vào Phòng truyền thống, và cùng với nhau nghĩ đến những phương thức mới, khởi động lại với tinh thần của 10 năm trước”.
Chắc chắn trong thời gian tới một tinh thần quật khởi mạnh mẽ sẽ được các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Kênh VOV Giao thông thể hiện, tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ, để khi nhắc đến “Giờ cao điểm” nói riêng và các chương trình trên VOV Giao thông nói chung thính giả sẽ luôn cảm nhận được niềm tin, là diễn đàn chia sẻ, là người bạn thân thiết đồng hành trên mọi nẻo đường./.
Theo Phương Thảo