“Phát thanh là một loại hình truyền thông đại chúng trong đó nội dung thông tin được truyền tải qua âm thanh”. Âm thanh bao gồm ba yếu tố: lời nói, âm nhạc và tiếng động”.
Phát thanh có 2 loại hình: phát thanh qua sóng điện từ; phát thanh truyền qua hệ thống dây dẫn. Đến thế kỷ XX, vệ tinh xuất hiện đã tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong thông tin đại chúng, tín hiệu phát thanh và truyền hình được trưyền đi khắp thế giới một cách rộng khắp và mau lẹ. Con người có thể ngồi trong nhà mình tiếp nhận thông tin về các sự kiện thuộc đủ các lĩnh vực và mọi nơi trên trái đất một cách trực tiếp.
Một số nhà nghiên cứu về báo chí phát thanh trên thế giới lại đưa ra những dự đoán sáng sủa về tương lai của phát thanh trong bối cảnh bùng nổ các phương tiện truyền thông đầu thế kỷ XXI này. Cơ sở của quan niệm này trước hết dựa trên những ưu thế của phát thanh như tính tiện lợi, kỹ thuật đơn giản, thiết bị gọn nhẹ và phương thức tiếp nhận thông tin rất linh hoạt (đang trong ô tô, trên giường ngủ, đang làm việc… đều có thể nghe phát thanh). Sự đơn giản, gọn nhẹ của thiết bị thu nhận thông tin phát thanh là một ưu thế nổi bật của phát thanh so với các báo khác trong cùng một điều kiện như nhau, vì báo mạng và truyền hình cần thiết bị kỹ thuật cồng kềnh và phức tạp hơn nhiều. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, con người ngày càng chịu nhiều áp lực của nhịp sống khẩn trương, hiện đại thì những ưu thế này lại càng phát huy tác dụng.
Các yếu tố của phát thanh hiện đại
Phát thanh hiện đại không tự nảy sinh mà là sự kế thừa và phát triển của phát thanh truyền thống. Đó là sự thay đổi phương thức trong sản xuất các chương trình phát thanh cho phù hợp với tình hình mới và đáp ứng nhu cầu của công chúng. Sự thay đổi của phương thức sản xuất không chỉ dựa trên nền tảng của công nghệ, kỹ thuật mới mà còn đòi hỏi kỹ năng mới để tạo ra được chất lượng nội dung và hình thức mới và qua đó có thể hình thành công chúng mới… Trong phương thức sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại, những ưu điểm của phát thanh truyền thống (như: có đối tượng thính giả rộng rãi; tính tức thời và tỏa khắp; ưu thế chiếm lĩnh không gian toàn bộ thời gian trong ngày; tính giao tiếp cá nhân; thông điệp len lỏi khắp nơi và có khả năng tác động nhanh; dễ tác động vào tình cảm; sinh động trong cách thể hiện; sự thuyết phục, lôi kéo của lời nói tác động vào thính giác; kích thích trí tưởng tượng, buộc thính giả phải tự hình dung, liên tưởng; thiết bị rẻ tiền, đơn giản, dễ phổ biến…) vẫn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ và lại được sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ mới nên càng trở nên hấp dẫn hơn, hiệu quả hơn.
Trong phát thanh hiện đại, sự xuất hiện của các phóng viên, biên tập viên và người dẫn làm cho chương trình có nhiều màu sắc, sinh động, gần gũi, hấp dẫn công chúng hơn. Việc sử dụng nhiều giọng nói và âm thanh phong phú – trong đó có nhiều tiếng nói của người dân và việc sử dụng phương thức nói với ngôn ngữ đời sống bình dị có thể tạo ra cảm giác gần gũi, thân mật cho thính giả. Bên cạnh đó, việc xây dựng các dạng chương trình mở, trong đó thính giả có thể tham gia trực tiếp vào chương trình (ở những mức độ khác nhau) cũng là những ưu thế của phương thức sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại.
Các phương thức sản xuất chương trình hiện đại, mới mẻ như phát thanh có hình, phát thanh trên mạng, phát thanh tương tác, phát thanh thực tế… thực sự là một cuộc cách mạng giúp cho nó đổi mới toàn diện trong nỗ lực thích ứng để tồn tại, phát triển.
Phương thức sản xuất các chương trình phát thanh hiện đại cũng hạn chế được những nhược điểm, hạn chế của phát thanh truyền thống (như: công chúng chỉ tiếp nhận thông tin qua duy nhất một giác quan là tai nghe; nặng tính độc thoại; khó diễn tả được những hình ảnh phức tạp; độ xác thực của thông tin không cao; thính giả khó nhớ được toàn bộ thông tin do tính chất hình tuyến; nghe càng nhiều, độ ghi nhớ càng giảm…).
Công chúng của phát thanh hiện đại không chỉ nghe mà còn có thể nhìn (phát thanh có hình), không chỉ nghe một lần một cách bị động mà có thể nghe nhiều lần một cách chủ động (phát thanh trên mạng); không chỉ tiếp nhận thông tin một chiều mà có thể trực tiếp tham gia vào các chương trình đang phát sóng (phát thanh tương tác, phát thanh thực tế) v.v.
Theo xu hướng biến đổi của ngôn ngữ truyền thông, ngôn ngữ đa giọng của phát thanh hiện đại phù hợp với tâm lý và nhu cầu hưởng thụ thông tin của công chúng báo chí nhiều hơn. Trong cuộc sống hiện đại, tác phong công nghiệp tạo ra áp lực rất lớn về công việc và thời gian cho con người, báo phát thanh sẽ tạo ra sự thư giãn giải trí cũng như tiếp nhận thông tin tiện lợi bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, kể cả khi đang nghỉ ngơi cũng như đang làm việc mà các loại hình báo chí khác không thể có được. Với thế mạnh riêng của mình, báo phát thanh sẽ không ngừng củng cố vị trí của mình trong hệ thống báo chí, truyền thông.
Tóm lại, phát thanh hiện đại phải hội đủ các yếu tố cơ bản: Có cơ sở hạ tầng sản xuất chương trình phát thanh, truyền dẫn phát sóng, tin học viễn thông đủ mạnh, hệ thống dây chuyền đã được số hóa; điều kiện làm việc của cán bộ công chức viên chức, phóng viên, kỹ thuật viên, ca sỹ, nhạc sỹ…đầy đủ, tiên tiến; trụ sở làm việc đáp ứng được mọi nhu cầu công việc, công năng mạnh, hiệu quả, thông minh. Trình độ cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, kỹ thuật viên chuyên nghiệp; kíp làm chương trình có sự phối hợp chặt chẽ giữa tổng đạo diễn, dẫn chương trình, biên tập viên, phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên… cùng tạo ra sản phẩm tương thích với thế giới.
Đặc điểm của phát thanh:
Đối tượng tiếp nhận thông tin của phát thanh là người nghe, việc tiếp nhận thông tin bằng thính giác thường có liên tưởng rất phong phú, phát thanh phải tận dụng được lợi thế này để phối hợp giữa tiếng nói và âm thanh một cách hài hòa tạo cảm giác hứng thú cho thính giả. Phát thanh hiện đại đang được coi là một trong những loại hình truyền thông hiện đại, có được một lượng công chúng rộng rãi và có sức ảnh hưởng lớn tới dư luận xã hội.
Phát thanh hiện đại là thông tin có chất lượng: Thông tin có chất lượng là thông tin chính xác. Tính chân thực là một điều kiện tiên quyết đối với thông tin đại chúng. Thêm vào đó, các thông tin phải đạt được sự khách quan trong cách tiếp cận sự kiện, trung thực đến từng chi tiết của sự kiện, chính xác tới từng con số đưa ra.
Trong thời đại bùng nổ thông tin nếu không phát huy thế mạnh thì phát thanh khó có thể cạnh tranh được với truyền hình ngày càng phát triển để giữ đúng được thế của phát thanh là loại hình thông tin nhanh nhất, phổ cập nhất và rẻ nhất.
Phát thanh hiện đại kết hợp được chức năng thông tin và chức năng giải trí: Âm nhạc là phương tiện giao lưu với bạn bè, các nền văn hoá trên thế giới. cho nên âm nhạc trong phát thanh không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn nâng cao văn hoá của thính giả.
Âm nhạc trên phát thanh có thể ăn sâu vào tâm trí, cũng có thể chỉ là người bạn khiêm nhường đối với mọi người. Âm nhạc xen kẽ giữa các chương trình tin tức, thời sự, chuyên đề sẽ giúp cho thính giả có một thời gian thư giãn hợp lý, đủ để tiếp nhận những thông tin nóng hổi và đầy ắp những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày.
Phát thanh hiện đại đổi mới phong cách diễn đạt, trình bày thông điệp: Ngày nay, chất giọng văn là một tài sản quý giá nhưng nó không còn là nhân tố quyết định đối vớí người phát thanh viên. Phong cách đọc văn bản phát thanh hiện nay đã dần thay thế bằng sự giao tiếp giữa phát thanh viên, phóng viên, biên tập viên với thính giả. Hiện nay phong cách được ưa chuộng là “giao tiếp trên sóng”
Phát thanh hiện đại là âm thanh có chất lượng cao: Đây chính là sự kết hợp giữa nội dung thông tin và công nghệ phát thanh hiện đại. Trong thế kỷ XXI, thế kỷ đầy biến động và nắm thách thức, thế kỷ của khoa học và công nghệ, ủa trí tuệ và những bước nhảy vọt, phát thanh cần đây mạnh hơn nữa, theo kịp khu vực và thế giới và khu vực, từng bước tạo đà cho Tiếng nói Việt Nam hội nhập vào xu thế giao lưu thông tin toàn cầu trong thời đại bùng nổ truyền thông.
Chương trình phát thanh mở là một trong những xu hướng xây dựng chương trình phát thanh hiên đại: Mở cho thính giả tham gia trực tiếp vào chương trình bằng nhiều cách. Cách hấp dẫn nhất là có một đường dây điện thoại trực tiếp. Thính giả theo dõi một chương trình có thể trực tiếp gọi điện thoại đến phòng thu, bày tỏ quan điểm của mình. Những ý kiến này được đưa trực tiếp lên sóng, góp phần tạo nên sự đa dạng, khách quan trong cách cách tiếp cận và phân tích vấn đề
Mục đích là để thông tin nhanh, để thính giả có thể tham gia trực tiếp vào nội dung chương trình, làm tăng tính đời thường của chương trình, tính gần gũi của phát thanh, làm cho phát thanh giống như người bạn, một diễn đàn nơi mà mọi người có thể chia sẻ quan niệm, ý kiến. Kinh nghiệm của các đài phát thanh lớn là khi thực hiện được công việc này thì sẽ tạo ra sức hút rất lớn với công chúng.
Các chương trình mở có một đặc điểm đó là thông tin ở đó không chỉ do phóng viên cung cấp mà do cả công chúng, những người tham gia vào chương trình qua trao đổi cung cấp do vậy nguồn tin sẽ đa dạng. Hơn thế thông tin ở đây có tính chân thực, khách quan và có khả năng thu hút thính giả theo dõi nhiều hơn.
Khi có sự góp mặt, đóng góp công sức của công chúng theo dõi vào chương trình thì sẽ có nhiều thông tin mới, thông tin đắt giá được khai thác, và hơn thế trách nhiệm về thông tin được chia đều cho cả phóng viên lẫn người trực tiếp cung cấp.
Khi các chương trình mở được thực hiện đòi hỏi phải có một êkíp thực hiện chuyên nghiệp, có trình độ, có khả năng ứng biến cao và các phương tiện, trang thiết bị hiện đại.
Nguyễn Bùi Khiêm