Truyền thanh cơ sở “bắt nhịp” 4.0

Sự bùng nổ các phương tiện truyền thông đại chúng cùng các công nghệ hiện đại đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận nhiều nguồn thông tin đa dạng. Đây chính là thách thức cũng là “thời cơ vàng” để hệ thống truyền thanh cơ sở bắt nhịp với thời đại nhằm tiếp tục duy trì vị thế của một kênh thông tin chính thống từ cơ sở.

Kênh thông tin chính thống từ cơ sở

Hệ thống đài truyền thanh phường, xã, thị trấn đã có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, Thủ đô. Tuy nhiên, trong giai đoạn phát triển mới, một số nội dung, đặc biệt là giờ phát thanh không phù hợp đã gây sự khó chịu trong nhân dân, nhất là ở khu vực nội thành.

Để hoàn thành tốt vai trò là “cầu nối” đưa các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, là phương tiện phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đòi hỏi hệ thống truyền thanh cơ sở phải đổi mới mạnh mẽ, nhất là trong thời đại 4.0.

Từ thực tế này, năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 5133/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Theo đó, các phường thuộc các quận duy trì từ 5-10 cụm loa (mỗi cụm tối đa 2 loa), vị trí lắp đặt loa do Ủy ban nhân dân quận căn cứ điều kiện thực tế để quyết định. Thị xã Sơn Tây và các huyện duy trì hệ thống đã có nhưng sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đề án cũng thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thay thế hệ thống truyền thanh tại các phường thuộc nội thành.

Từ đó đến nay, nhiều quận, huyện đã triển khai đồng bộ đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông cho toàn bộ địa bàn. Tại huyện Đan Phượng, từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hệ thống loa truyền thanh của huyện đã ưu tiên các nội dung vận động người dân vệ sinh phòng dịch, tự giác khai báo y tế đối với trường hợp người dân địa phương đi lao động ở các tỉnh, thành phố khác trở về, phát hiện dịch bệnh, hướng dẫn chấp hành cách ly y tế tại nhà…

Theo ông Tạ Như Đinh – Trưởng Đài Truyền thanh xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng), toàn xã Thượng Mỗ có 16 cụm loa, mỗi cụm gồm 2 tháp loa nên việc tuyên truyền được lan tỏa rộng rãi trên mọi xóm ngõ, ngay cả những vùng xa nhất của xã. Trước yêu cầu tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, Đài Truyền thanh xã Thượng Mỗ không chỉ làm tốt việc tiếp âm đài 3 cấp mà còn tích cực đổi mới nâng cao chất lượng chương trình truyền thanh địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Đài Truyền thanh xã Thượng Mỗ đã chủ động xây dựng 100 chương trình gốc, mang hơi thở cuộc sống của địa phương từ đó tạo sự tương tác, gần gũi với người dân.

Giờ đây, ngay cả khi đang lao động hay khi làm công việc gia đình, mỗi người dân đều nghe rõ tiếng loa truyền thanh tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. “Từ rất lâu rồi tôi thành quen với tiếng nói của ông Đinh trên hệ thống Đài Truyền thanh xã, tất cả những tin tức ông truyền tải đều rất sát thực, gần gũi với bà con, nhất là trong khoảng thời gian “nóng” như những lúc diễn biến của dịch Covid-19 hay những ngày tháng 5 này diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” – ông Nguyễn Văn Hưng, một người dân xã Thượng Mỗ chia sẻ.

Còn theo ông Lê Minh Đức – cán bộ Văn hóa phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm), với tinh thần nâng cao chất lượng tuyên truyền đến từng hộ, từng con phố, từng người dân, hiện tại, phường Hàng Đào tổ chức phát thanh 3 khung giờ trong một ngày đó là 7h30, 10h, 16h30, thời lượng của mỗi bài phát thanh từ 15 đến 30 phút. Từ khi Đài Truyền thanh đi vào hoạt động, nhân dân trên địa bàn phường cũng quan tâm và đón nhận các chương trình phát thanh của phường, qua đó chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân Thành phố, của quận.

Trái ngọt từ “Truyền thanh 4.0”

Nhìn lại thời gian chống dịch Covid-19 vừa qua có thể thấy, tất cả các biện pháp, phương tiện, các cấp độ tuyên truyền đều được huy động và đã phát huy hiệu quả. Nhờ công tác tuyên truyền đồng bộ, những thông tin, khuyến nghị, ý kiến của các chuyên gia y tế được truyền tải kịp thời giúp cho người dân có quyết định đúng để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Theo thống kê, Hà Nội hiện có 579 Đài Truyền thanh cơ sở tại các xã, phường, thị trấn, cung cấp thông tin thiết yếu đến nhân dân rất hiệu quả. Đây được xem là kênh chủ lực trong công tác thông tin tuyên truyền ở cơ sở. Trong trường hợp đặc biệt như hiện nay là bầu cử và phòng, chống dịch Covid-19 thì 100% Đài Truyền thanh cơ sở của Hà Nội đang vận hành tích cực và rất hiệu quả.

Theo bà Nguyễn Thị Thịnh – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Phú Lãm (quận Hà Đông), bên cạnh tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn theo đúng tinh thần của thành phố Hà Nội, trong thời gian này phường chủ động nhắc nhở người dân liên tục trên hệ thống loa truyền thanh. “Loa truyền thanh của phường thường được phát từ 3-5 lần/ngày với thời lượng 15 phút/lần phát nhằm thông báo tình hình dịch bệnh khẩn cấp trong điều kiện cần truyền tải đến nhân dân ngay. Qua theo dõi, những thông tin như vậy rất kịp thời, hướng dẫn nhân dân có các biện pháp phòng, chống dịch” – bà Thịnh thông tin.

Chung quan điểm về những lợi ích hệ thống loa truyền thanh mang lại, bà Nguyễn Vân Anh – Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Văn Miếu (quận Đống Đa) chia sẻ, hiện tất cả các văn bản liên quan đều được phường cho triển khai thông tin trên hệ thống loa. Qua theo dõi, bà Vân Anh nhận định, nếu không có hệ thống loa phường thì công tác tuyên truyền rất khó đạt được những hiệu quả như mong muốn. Lấy ví dụ trên địa bàn, trước đây phường Văn Miếu có khoảng 30 loa truyền thanh, tuy nhiên sau này chỉ còn lại 10 loa nhưng hiệu quả vẫn rất cao.

“Với loa phường, điều dễ thấy nhất là ai ai cũng có thể nghe được, nếu tuyên truyền ở các khu dân cư, tổ dân phố chỉ thông qua hệ thống bảng tin hoặc qua các cuộc hội họp thì rất khó phổ biến rộng ra được 100%. Bên cạnh hệ thống loa phường, các bộ phận chức năng của Ủy ban nhân dân còn sử dụng loa kéo tay ở những nơi ngõ ngách sâu, loa phường không thể phủ đến được…”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Văn Miếu cho biết.

Có thể nói, với sự ra đời và phát triển của nhiều loại hình thông tin như hiện nay, người dân có quyền lựa chọn những loại hình thông tin phù hợp với điều kiện sinh hoạt, khả năng và nhu cầu của mình để tiếp nhận thông tin, trao đổi, chia sẻ thông tin. Tuy nhiên, mỗi loại hình thông tin, trong đó có truyền thanh cơ sở có vai trò, tác động nhất định đến từng nhóm đối tượng cụ thể trong xã hội và phát huy được hiệu quả ở tùng vùng miền, khu vực thành thị và nông thôn. Bài học từ trong đại dịch Covid-19 đã chứng minh, chỗ đứng riêng của hệ thống loa truyền thanh là không thể phủ nhận, vấn đề là sử dụng nó như thế nào cho hợp lý và hiệu quả./.

Tuấn Dũng

Liên hệ RAVIMEDIA